image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Di tích – Danh thắng - Danh nhân

Huyện Đức Hòa là địa phương có nhiều khu di tích lịch sử- văn hóa. Toàn huyện, có 4 khu di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận và 10 khu di tích tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh được UBND tỉnh Long An ra quyết định công nhận.

Hai trong bốn di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia được xem là đại diện, tiêu biểu cho nền văn hóa lâu đời: Khu tích khảo cổ học An Sơn tại xã An Ninh Tây phát hiện người cổ có niên đại cách đây 4.000 năm và khu di tích Bình Tả- Óc Eo thuộc xã Đức Hòa Hạ tiêu biểu nền văn hóa Óc Eo- Phù Nam có niên đại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII. Điều này, chứng tỏ nơi đây là khu vực có người dân định cư, sinh sống từ rất sớm, các hiện vật khai quật được tiêu biểu cho nền văn hóa lâu đời, chủ yếu là những công cụ bằng đá phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân theo nghề nông nghiệp lúa nước cùng các hiện vật đồ gốm, đồ trang sức phục vụ đời sống sinh hoạt tập thể, cộng đồng. Hiện nay, hai di tích này được Nhà nước khoanh vùng, bảo vệ và sẽ tiếp tục tổ chức những cuộc khai quật mở rộng hơn để phục vụ cho nghiên cứu.

Hai khu di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh cách mạng anh hùng của quân và dân Đức Hòa trong kháng chiến. Di tích vườn nhà ông Bộ Thỏ tại xã Đức Hòa Thượng ghi dấu sự kiện thành lập chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn vào năm 1930- nay là một phần của thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An. Di tích này được quy hoạch và đang tiến hành xây dựng thành khu lưu niệm và phục dựng lại quang cảnh lúc sự kiện thành lập chi bộ diễn ra.

Một khu di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu thứ hai là khu di tích Ngã tư Đức Hòa, nằm trên địa bàn thị trấn Đức Hòa. Vào năm 1930, nơi đây diễn ra cuộc biểu tình lớn nhất Nam bộ lúc bấy giờ dưới sự lãnh đạo của Đảng mà tiêu biểu là đồng chí Châu Văn Liêm- quê Cần Thơ và đồng chí Võ Văn Tần- quê Đức Hòa, Long An với sự tham gia của 5.000 nông dân. Khu di tích Đức Hòa với những địa điểm như: Dinh Quận gắn với cuộc biểu tình ngày 4/6/1930 của hơn 5000 nhân dân Đức Hòa nay được trưng dụng xây dựng phòng trưng bày hiện vật đồng chí Võ Văn Tần được xây dựng trong khuôn viên công viên văn hóa có tượng đài đồng chí Võ Văn Tần; Đài xử bắn các chiến sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940-1941… là những chứng tích lịch sử tố cáo tội ác của bọn thực dân xâm lược, và là niềm tự hào của người dân Đức Hòa nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung về tinh thần đấu tranh không mệt mỏi để giành lấy nền độc lập tự do.

Ngoài bốn di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia nêu trên, Đức Hòa có 10 khu di tích lịch sử văn hóa được UBND tỉnh Long An công nhận có một di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Linh Nguyên và di tích Đình Mỹ Hạnh là những đặc trưng cơ bản và tiêu biểu cho truyền thống về lịch sử và văn hóa huyện Đức Hòa.

Ngoài các khu di tích lịch sử- văn hóa, huyện Đức Hòa còn có khu nhà cổ Phước- Lộc- Thọ nằm trên địa bàn xã Hựu Thạnh với diện tích rộng 5,5ha, phục dựng lại 22 ngôi nhà cổ trên mọi miền đất nước, có không gian rộng, thoáng mát, mang dáng vẻ cổ xưa, cây cảnh được bố trí đẹp mắt, khu vui chơi trẻ em, hồ bơi nhân tạo,… thu hút người dân trong và ngoài địa phương đến tham quan, du lịch.

Huyện Đức Hòa còn có con sông Vàm Cỏ Đông chảy dài dọc theo chiều dài địa giới hành chính của huyện, có quang cảnh của miền sông nước đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ, ghe xuồng tấp nập qua lại, có tiềm năng khai thác du lịch miền sông, nước.

 

 

image advertisementimage advertisement image advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisement

Thư viện ảnh