image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã

638805663052555567_Phieu lay y kien cu tri tinh- xa - đổi tên.docx

6427_UBND-NC_16-04-2025_368-CV chi dao noi dung lay y kien cu tri HC.signed.pdf
1744771852_74_NQ-CP_07042025-signed.pdf

TÓM TẮT ĐỀ ÁN

SẮP XẾP, SÁP NHẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

TỈNH LONG AN VÀ TỈNH TÂY NINH

 

 

Thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị;

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/02/2025;

Căn cứ Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/4/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp,

Sau khi phối hợp, tỉnh Tây Ninh tỉnh Long An xây dựng nội dung tóm tắt Đề án sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh như sau:

I. VỀ SỰ CẦN THIẾT SẮP XẾP ĐVHC CẤP TỈNH

Trong lịch sử hình thành, Long An và Tây Ninh từng là một phần của phủ Gia Định. Trước khi trở thành 2 tỉnh độc lập như ngày nay, trong lịch sử hình thành tỉnh Long An và Tây Ninh đều trải qua nhiều thay đổi về mặt địa giới hành chính.

Trong những năm qua, Long An và Tây Ninh cũng là “điểm sáng” trong bức tranh tổng thể nền kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam. Tuy không dẫn đầu, nhưng cả hai đều có vị trí chiến lược, tiềm năng kinh tế lớn và những bước đi mạnh mẽ trong việc phát triển hạ tầng, khu công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Với Long An là địa phương có vị trí đặc biệt quan trọng khi tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh về phía Đông, giáp Tây Ninh và Campuchia về phía Bắc và tiếp giáp 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang về phía Tây và Nam. Nhờ nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, Long An vừa có điều kiện để phát triển công nghiệp, vừa có thế mạnh phát triển về nông nghiệp. Tương tự, tỉnh Tây Ninh cũng có vị trí chiến lược nằm giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đang trở thành một điểm sáng trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Nhờ lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt cửa khẩu Mộc Bài - một trong những cửa khẩu quốc tế quan trọng nhất khu vực phía Nam, Tây Ninh đang vươn lên mạnh mẽ trên bản đồ kinh tế Việt Nam. Hiện nay, 2 tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp và nông nghiệp công nghiệp cao.

Bên cạnh đó, Tây Ninh và Long An đang tăng cường kết nối hạ tầng giao thông để thúc đẩy giao thương giữa hai tỉnh. Các tuyến đường như ĐT 822, ĐT 823, ĐT 825 đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết Tây Ninh với các huyện Đức Hòa, Bến Lức của Long An. Điều này giúp hàng hóa lưu thông nhanh chóng giữa các khu công nghiệp của hai địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Hiện nay, Long An là một trong những địa phương có tốc độ phát triển khu công nghiệp mạnh nhất cả nước với 37 khu công nghiệp và 62 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 15.000 ha, có sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tây Ninh có 9 khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.500 ha, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu.

ĐVHC của tỉnh Tây Ninh và ĐVHC tỉnh Long An hiện nay chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên; việc duy trì 02 ĐVHC riêng biệt dẫn đến làm phân tán các nguồn lực, tiềm năng của các địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội; ảnh hưởng lớn đến công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội và việc phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ quy mô lớn. Trong khi đó, thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số, giúp thực hiện giải quyết thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và đảm bảo hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên. Ngoài ra, cả 02 tỉnh có cơ cấu kinh tế tương đối tương đồng, đều là tỉnh biên giới giáp với Campuchia.

Do đó, việc sáp nhập tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An thành 01 tỉnh mới là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển và tình hình thực tiễn hiện nay. Việc sáp nhập sẽ mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân; đồng thời, đảm bảo phù hợp quy mô diện tích, dân số, thúc đẩy tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và cải thiện chất lượng dịch vụ công.

II. HIỆN TRẠNG ĐVHC CẤP TỈNH THỰC HIỆN SẮP XẾP

1. Tỉnh Tây Ninh

Vị trí địa lý

Tây Ninh là tỉnh nằm ở miền Đông Nam Bộ, phía Đông giáp các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, phía Nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, phía Tây và phía Bắc giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 240 km. Có 3 cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam; 3 cửa khẩu chính là Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân và 10 cửa khẩu phụ.

Diện tích tự nhiên, Quy mô dân số và Số ĐVHC trực thuộc

- Diện tích tự nhiên: 4.041,65 km2

- Quy mô dân số: 1.334.312 người

- Số ĐVHC trực thuộc:

+ Hiện có: Số lượng ĐVHC cấp huyện là 09 (gồm: 01 thành phố, 02 thị xã, 6 huyện). Số lượng ĐVHC cấp xã là 94 (gồm: 17 phường, 6 thị trấn và 71 xã (có 20 xã biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia).

+ Dự kiến sau sắp xếp, số lượng ĐVHC cấp xã: 33.

Chức năng, vai trò

Tây Ninh có vị trí chiến lược quan trọng trong hệ thống phòng thủ quốc gia trên biên giới Tây Nam, có đường biên giới dài khoảng 240 km, tiếp giáp 3 tỉnh Prey Veng, Svay Rieng, T’boung Kh’mun thuộc Vương quốc Camphuchia; là cửa ngõ giao thông đường bộ quan trọng sang Campuchia và các nước ASEAN, có đường xuyên Á đi qua, nối TP. Hồ Chí Minh và Thủ đô Phonom Penh của Camphuchia; có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thương mại, du lịch... với Campuchia và các quốc gia trong khu vực ASEAN. Tây Ninh còn là căn cứ địa kháng chiến đầu não của cách mạng miền Nam, nơi trú đóng của Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam…. Với những đặc điểm này, Tây Ninh được chọn làm điểm cho cả nước về xây dựng khu vực phòng thủ và được Bộ Quốc phòng xác định là tỉnh trọng điểm phòng không nhân dân, đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong việc bảo vệ an ninh biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

          Tây Ninh là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có những chức năng và vai trò quan trọng trong sự phát triển của khu vực này:

          (1) Cửa ngõ giao thương quốc tế kết nối với Campuchia thông qua 3 cửa quốc tế khẩu Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam. Cửa khẩu Mộc Bài là một trong những cửa khẩu quan trọng nhất trên tuyến hành lang kinh tế TP.HCM – Phnom Penh, thu hút đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu và phát triển thương mại biên giới và mở rộng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN.

          (2) Tây Ninh có các khu công nghiệp lớn như KCN Trảng Bàng, KCN Phước Đông - Bời Lời, Chà Là… thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các ngành như dệt may, giày da, điện tử, chế biến thực phẩm. Công nghiệp chế biến nông sản đang phát triển mạnh với các sản phẩm như tinh bột khoai mì, đường, trái cây sấy. Với vị trí gần TP.HCM và hệ thống giao thông đang phát triển, Tây Ninh có tiềm năng trở thành trung tâm logistics, hỗ trợ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong việc vận chuyển hàng hóa.

          (3) Tây Ninh có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và điện gió, góp phần cung cấp điện cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Một số dự án điện mặt trời lớn đã đi vào hoạt động như Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng.

          (4) Tây Ninh là một vùng đất địa linh, giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có tiềm năng về du lịch với nhiều điểm tham quan lý tưởng, nổi tiếng với núi Bà Đen – điểm du lịch và tâm linh thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Các di tích lịch sử thuộc hệ thống Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam, cùng với khu du lịch sinh thái Lò Gò - Xa Mát, Hồ Dầu Tiếng giúp Tây Ninh trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi du lịch của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

          (5) Tây Ninh là vùng sản xuất nông nghiệp lớn, đặc biệt là cao su, mía đường, khoai mì và rau quả xuất khẩu. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp giúp Tây Ninh trở thành vùng cung ứng thực phẩm quan trọng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Một số doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Ninh như: Tập đoàn Vinamilk, Hoàng Anh Gia Lai, Lavifood. Chăn nuôi bò sữa, bò thịt cũng đang phát triển mạnh, là vùng cung cấp nguyên liệu cho Vinamilk.

          (6) Tây Ninh có tiềm năng trở thành vùng vệ tinh của TP.HCM, giúp giãn dân, giảm áp lực đô thị. Dự án hạ tầng quan trọng như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ giúp tăng cường liên kết giữa Tây Ninh và các trung tâm kinh tế lớn.

Tây Ninh có lợi thế lớn về thương mại biên giới, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch và năng lượng tái tạo. Nếu tận dụng tốt các lợi thế này, cùng với việc cải thiện hạ tầng và thu hút đầu tư, Tây Ninh có thể trở thành một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ trong tương lai.

2. Tỉnh Long An

Vị trí địa lý

Tỉnh Long An tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh về phía Đông, giáp với Vương Quốc Campuchia về phía Bắc, giáp với tỉnh Đồng Tháp về phía Tây và giáp tỉnh Tiền Giang về phía Nam. Đường biên giới dài khoảng 134 km, có điều kiện thuận lợi trong kết nối giao thương với Campuchia thông qua cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp.

Diện tích tự nhiên, Quy mô dân số và Số ĐVHC trực thuộc

- Diện tích tự nhiên (km2): 4.494,79 km2

- Quy mô dân số (người): 1.953.995 người

- Số ĐVHC trực thuộc:

+ Hiện có: số lượng ĐVHC cấp huyện: 15 (trong đó có 13 huyện, 01 thị xã, 01 thành phố); số lượng ĐVHC cấp xã: 186 (trong đó 160 xã, 11 phường, 15 thị trấn) (có 20 xã biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia).

+ Dự kiến sau sắp xếp, số lượng ĐVHC cấp xã: 60 (56  xã, 04 phường).

Chức năng, vai trò

Long An sở hữu vị trí địa lý kinh tế chiến lược quan trọng, cửa ngõ nối liền vùng Đông Nam bộ với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh, cộng hưởng sự lan tỏa về phát triển công nghiệp, đô thị của Thành phố có nền kinh tế hàng đầu cả nước.

Có hệ thống đường bộ gồm: Quốc lộ 1A, 50, 62, N1, N2 (Đường Hồ Chí Minh); Đường tỉnh lộ: ĐT 830 (Đức Hòa - Tân Tập); ĐT 823, ĐT 824, ĐT 825... Đường Vành đai thành phố Tân An. Hệ thống giao thông kết nối vùng: Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương; Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Đường vành đai 3, vành đai 4...

Long An có các hệ thống sông lớn đi qua như sông Vàm cỏ Đông, sông Vàm cỏ Tây, sông Rạch Cát (sông Cần Giuộc). Các tuyến đường thủy quan trọng như Thành phố Hồ Chí Minh - Kiên Lương, Thành phố Hồ Chí Minh - Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh đều qua Long An theo kênh Nước Mặn, sông Rạch Cát, sông Vàm Cỏ Đông. Các loại phương tiện vận tải thủy trên 100 tấn có thể theo các kênh rạch như Phước Xuyên, Dương Văn Dương, Trà Cú, Kinh Xáng, sông Bến Lức, sông Rạch Cát, kinh Thủ Thừa... đi từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến Thành phố Hồ Chí Minh. Cửa sông Soài Rạp hướng ra biển Đông, có Cảng Quốc tế Long An đang hoạt động với nhiều tiềm năng để phát triển các lĩnh vực công nghiệp, kinh tế biển, dịch vụ cảng, logistics, dịch vụ xuất nhập khẩu. Ngoài ra, Long An có Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen có diện tích 4.802 ha và là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam và là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn) thứ 2.227 của thế giới.

Theo quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030[1], Long An được định hướng nằm trên hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An, kết nối chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, đồng thời nằm trên hành lang biên giới (từ Long An đến Kiên Giang), giữ vai trò phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị[2], Long An được định hướng trở thành trung tâm công nghiệp, đô thị động lực và logistics quan trọng, đóng vai trò kết nối giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Với vị trí cửa ngõ của vùng, Long An là điểm hội tụ của các tuyến giao thông chiến lược, hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ cao, thương mại - dịch vụ, cảng biển và logistics. Bên cạnh đó, tỉnh được xác định là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Việc đặt trung tâm hành chính - chính trị tại tỉnh Long An không chỉ phù hợp với định hướng phát triển vùng mà còn đồng bộ với chiến lược quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để điều hành, kết nối kinh tế - xã hội và quản lý hiệu quả địa bàn tỉnh mới; đồng thời, tận dụng tối đa vị trí trung tâm, chiến lược, giúp điều phối và liên kết tỉnh mới hiệu quả hơn.

III. PHƯƠNG ÁN VÀ KẾT QUẢ SẮP XẾP ĐVHC CẤP TỈNH

1. Phương án

Thành lập tỉnh Tây Ninh trực thuộc trung ương trên cơ sở sáp nhập tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An.

2. Kết quả

- Đơn vị hành chính cấp tỉnh (tên): Tây Ninh, có: 8.536,5 km2 (đạt 170% so với tiêu chuẩn), Quy mô dân số 3.288.307 người (đạt 234,9% so với tiêu chuẩn), dự kiến có 93 ĐVHC cấp xã.

- Các ĐVHC cùng cấp (hiện hữu) liền kề: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Bình Phước, tỉnh Bình Dương.

- Nơi Trung tâm hành chính - chính trị của ĐVHC: Thành phố Tân An (hiện là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Long An). Có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hệ thống giao thông phát triển (nằm ngay trên trục Quốc lộ 1 và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Cần Thơ), là cửa ngõ kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời là điểm trung chuyển giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị vùng Tây Nam Bộ. Theo đó, Thành phố Tân An không chỉ thuận lợi trong tổ chức điều hành hành chính tỉnh mới sau sáp nhập, mà còn có vai trò chiến lược trong phát triển liên kết vùng, mở rộng không gian kinh tế và điều tiết phát triển giữa các cực tăng trưởng trong toàn vùng.

Về trụ sở hành chính: HĐND tỉnh Long An đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm Chính trị - hành chính của tỉnh Long An, dự kiến bố trí khoảng 2.071 người làm việc với tổng mức đầu tư khoảng 2.210,208 tỷ đồng. Hiện nay, đã đưa vào sử dụng Khối nhà 04 cơ quan (khối đoàn thể); Khối nhà cơ quan 3; Kho Lưu trữ chuyên dụng tỉnh; trong trường hợp sắp xếp lại, dự kiến có thể bố trí khoảng 1.179 người làm việc. Trong thời gian triển khai các hạng mục còn lại của Dự án, tỉnh có thể tận dụng trụ sở cũ của một số Sở, ngành (đã chuyển về Khối nhà cơ quan 3 đầu năm 2025) để bố trí nơi làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm khả năng vận hành, đi vào hoạt động kịp thời của chính quyền địa phương tỉnh mới.

Thành phố Tân An có hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu tổ chức và vận hành trung tâm hành chính - chính trị cấp tỉnh mới. Thành phố Tân An là trung tâm thương mại - dịch vụ lớn nhất của tỉnh Long An, có mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại phát triển (như Vincom Plaza, Aeon Tân An, Co.opmart, Chợ Tân An), hệ thống tài chính - ngân hàng phủ khắp (Vietcombank, BIDV, Agribank, MB, Sacombank…), cùng các doanh nghiệp logistics, kho vận và dịch vụ phân phối khu vực phía Nam. Thành phố có cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn và nằm trên trục lưu thông hàng hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh đi miền Tây, đóng vai trò là đầu mối kết nối sản xuất - tiêu dùng giữa Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Về xã hội, Thành phố Tân An có đầy đủ hệ thống giáo dục - đào tạo từ phổ thông đến đại học (THPT chuyên Trần Văn Giàu, ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An, Trường cao đẳng Y tế Long An, phân hiệu trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tại Long An) hệ thống y tế chất lượng cao với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An (hạng I, quy mô 800 giường), các trung tâm y tế chuyên khoa, y tế dự phòng. Thiết chế văn hóa - thể thao được đầu tư đồng bộ (Trung tâm Văn hóa tỉnh, Thư viện tỉnh, Sân vận động Long An…). Tân An cũng là địa phương dẫn đầu tỉnh trong xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt trên 95%.

Về hạ tầng đô thị, Thành phố Tân An là đô thị loại II, có quy hoạch tổng thể hiện đại, cấu trúc không gian rõ ràng với các phân khu chức năng: hành chính - chính trị, thương mại - dịch vụ, dân cư - đô thị mới, và khu vực phát triển mở rộng về phía Đông và phía Nam (dọc Quốc lộ 1 và đường Hùng Vương nối dài). Các trục giao thông chính như Hùng Vương, Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định, Quốc lộ 1 được đầu tư mở rộng, kết nối thuận lợi với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Quỹ đất đô thị còn lớn, thuận lợi để mở rộng trung tâm hành chính, xây dựng công sở hợp khối và các thiết chế công cộng quy mô vùng. Đây là nền tảng quan trọng để Thành phố Tân An vừa đảm nhiệm vai trò trung tâm hành chính - chính trị cấp tỉnh mới, vừa có dư địa phát triển bền vững về dài hạn.

IV. KẾT LUẬN

Việc sáp nhập các tỉnh, thành phố là một chủ trương quan trọng trong quá trình cải cách hành chính nhằm tinh gọn bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính công và cải thiện chất lượng dịch vụ công. Tuy nhiên, quá trình sáp nhập không chỉ mang lại những lợi ích về mặt tổ chức và quản lý mà còn đặt ra nhiều thách thức trong điều hành, quản lý địa bàn rộng lớn và đa dạng về văn hóa, dân cư; đòi hỏi sự đổi mới trong phương thức quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước.

Đối với tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An, với các yếu tố tương đồng, chức năng, vai trò và lợi thế của hai tỉnh, việc sáp nhập tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An thành một tỉnh mới là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển và tình hình thực tiễn hiện nay; việc sáp nhập sẽ mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân; góp phần đẩy mạnh tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và cải thiện chất lượng dịch vụ công.



[1] Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

[2] Nghị quyết 13–NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

tom tat xa-04172025101127.pdf

ttt-04172025101914.pdf
 

638805663084926994_phieu lay y kien cu tri tinh- xa15-4.docx

 

image advertisementimage advertisement image advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisement

Thư viện ảnh