Đức Hòa có nền văn
hóa lâu đời, phong phú và đa dạng. Được thể hiện rõ nhất với khu tích khảo cổ
học An Sơn phát hiện người cổ có niên đại cách đây hơn 4.000 năm, khu di tích
Bình Tả- Óc Eo thuộc nền văn hóa Óc Eo- Phù Nam có niên đại từ thế kỷ thứ I đến
thế kỷ thứ VII.
Đức Hòa còn là địa
phương lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể tương đối lớn của tỉnh Long An
với một trữ lượng văn nghệ dân gian lớn, phong phú và là nơi sản sinh ra nhiều
nghệ nhân nổi tiếng. Tinh thần thượng võ, yêu nước còn để lại dấu ấn đậm nét
trong những điệu “hò quốc sự”- một làn điệu dân ca đặc sắc- được phổ biến khá
rộng rãi trong những thập niên đầu thế kỷ này mà những nghệ nhân của Đức Hòa đã
từng đem tiếng hát, tiếng hò đó vượt ra ngoài ranh giới của huyện mình đến
nhiều vùng, nhiều nơi.
Người dân Đức Hòa đa số là người Kinh nên
các phong tục, lễ hội mang đậm dấu ấn của người Việt được thể hiện rõ trong lễ
hội cúng đình, các lễ hội vào dịp Tết cổ truyền, du xuân được diễn ra nhộn
nhịp, thu hút người dân và các phong tục đám tang, đám cưới, đám giỗ cúng ông
bà, tổ tiên,... đều được nhân dân chú trọng và đóng vai trò quan trọng trong
đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương.
Người dân Đức Hòa theo đạo Phật là chủ yếu và
một số ít nhân dân theo đạo Công giáo, tin lành, cao đài,… Chính vì vậy, cơ sở
tôn giáo nhiều nhất là chùa với 43 ngôi, ngoài ra, có 7 Thánh thất cao đài, 3
nhà thờ công giáo, 3 nhà thờ Tin Lành, còn các cơ sở tôn giáo khác không đáng
kể.